M

Linh mục Giuse Trần Đình Long chính thức rời Giáo điểm Tin mừng nhận sứ vụ mới

(CGOL) Giáo điểm tin Mừng tọa lạc số 12 Đường Nguyễn Văn Tạo, Hiệp Phước, Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. dưới sự dẫn dắt của Cha Giuse Trần Đình Long trong những năm trở lại đây luôn Là điểm dừng chân cho những ai tìm nơi nguồn suối lòng thương xót



                                                         
                                                                                                                             Trần Hà 

Đại Lễ Đức Mẹ La Vang 2019 SỰ KIỆN

(CGOL) Trong hai ngày 14 – 15/8, tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Tổng Giáo phận  Huế đã tổ chức Lễ hành hương thường niên La Vang năm 2019.


Trần Hà

Lớn lên không biết gì ngoài chiến tranh: Một nửa trong 4 triệu trẻ em ở Syria

Theo UNICEF tính đến ngày 14 tháng 12 năm 2018 cứ khoảng 4 triệu trẻ em được sinh ra ở Syria kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột gần 8 năm trước, một nửa trong số này lớn lên chỉ biết chiến tranh. Tiếp cận các em mọi lúc mọi nơi và đáp ứng nhu cầu của các em, hiện tại và trong tương lai, vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Thắp nến cầu nguyện cho hòa bình ở Syria
Thắp nến cầu nguyện cho hòa bình ở Syria
“Mỗi em ở độ tuổi lên 8 ở Syria đã lớn lên giữa những nguy hiểm, hủy diệt và cái chết”. Ông Henrietta Fore, Tổng giám đốc UNICEF tuyên bố như trên sau 5 ngày thi hành nhiệm vụ ở một đất nước bị tàn phá bởi cuộc xung đột. Ông Fore nói: “Những đứa trẻ này phải trở lại trường học, nhận vắc-xin, cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Chúng ta phải giúp đỡ họ”.
Đến thăm một số khu vực ở Syria, Fore đã thấy cuộc xung đột ảnh hưởng như thế nào đến gia đình, trẻ em và cộng đồng nơi họ sinh sống.
Ở Douma, ở phía đông Ghouta, chỉ vài tháng sau khi kết thúc cuộc bao vây kéo dài 5 năm, các gia đình di dời đã bắt đầu quay trở lại và dân số của thành phố hiện ước tính khoảng 200.000. Nhiều gia đình đã quay trở lại các tòa nhà bị hư hại và mối đe dọa của bom mìn chưa nổ là rất cao. Từ tháng 5 năm 2018, 26 trẻ em đã bị giết hoặc bị thương trên khắp phía Đông Ghouta vì vũ khí còn sót lại. Ông tiếp tục: “Ở Douma, các gia đình và con cái của họ lớn lên trong đống đổ nát; họ phải chiến đấu với nước, thức ăn và sưởi ấm với khí hậu mùa đông này. Có 20 trường học, tất cả đều quá tải; cần đào tạo giáo viên trẻ, cung cấp sách, tài liệu trường học, sửa chữa cửa ra vào, cửa sổ và điện”.
Tại Hama, Tổng giám đốc UNICEF đã đến thăm một trung tâm nơi các thiếu nữ và thanh niên học cách chống lại bạo lực giới. Ông cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng trở nên bạo lực. Zein, 15 tuổi thường xuyên đến trung tâm cho biết: “Bắt nạt, quấy rối, tấn công thân thể, kết hôn sớm – tất cả các hình thức bạo lực này đã gia tăng. Trẻ em và thanh thiếu niên nhìn thấy bạo lực ở khắp nơi xung quanh họ, và họ thấy chúng là bình thường. Chúng ta phải ngăn chặn tất cả những điều này”.
Vào ngày cuối cùng của chuyến đi, Fore đã đến thăm Deraa, một thành phố nơi có khoảng 1 triệu người sinh sống. Số lượng người di dời trong khu vực rất cao, gây thêm căng thẳng cho các dịch vụ tối thiểu. Một nửa trong số 100 trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu của chính phủ đã bị hư hại hoặc bị phá hủy. Hai trạm chính cung cấp nước cho thành phố Deraa nằm trong các khu vực bị tranh chấp trước đây, điều này gây ra việc cắt giảm thường xuyên nguồn cung cấp nước và vì thế họ phải phụ thuộc vào các xe tải chở nước. UNICEF đã giúp xây dựng các ống dẫn dài 16 km để mang lại nguồn nước an toàn cho 200.000 người. Trong số khoảng 1.000 trường học của chính phủ, ít nhất một nửa cần sửa chữa. Các phòng học quá đông. Trẻ em đã mất nhiều năm học ở trường do chiến tranh, vì vậy độ tuổi của học sinh năm thứ nhất có thể từ 6 đến 17 tuổi. Nhiều học sinh đang rời trường – tỷ lệ bỏ học ở Syria là 29%.
Ông Fore nói: “Những hạt giống đầu tiên của sự gắn kết xã hội được gieo vào trường học. Chúng tôi cần giáo dục chất lượng để đảm bảo trẻ em muốn đi học và muốn ở lại”.
Hiện nay UNICEF đang tăng cường các dịch vụ của mình để hỗ trợ sức khỏe, dinh dưỡng và bảo vệ trẻ em bằng cách cung cấp các chương trình học nhanh cho học sinh mất nhiều năm giáo dục, đào tạo giáo viên và sửa chữa hệ thống nước thải, dẫn nước và nhà máy xử lý nước thải. Trong các lĩnh vực vẫn còn khó tiếp cận, UNICEF tiếp tục kêu gọi sự hợp tác để cung cấp hỗ trợ ngay lập tức bất cứ lúc nào.
Trên mọi miền của Syria, UNICEF luôn yêu cầu bảo vệ trẻ em và chú ý hơn đến việc sửa chữa cơ cấu xã hội bị xé nát sau nhiều năm chiến đấu. Ông Fore cho biết khoảng tám năm trong cuộc xung đột, nhu cầu vẫn còn rất lớn. Hàng triệu trẻ em được sinh ra trong cuộc chiến này và lớn lên trong bạo lực đã sẵn sàng: chúng muốn học. Chúng muốn chơi. Chúng muốn chữa lành.
Ngọc Yến 
Nguồn:  Vatican

Giáo xứ Rạch Giá và hành trình thế kỷ

Tháng 12.2018, ngôi nhà thờ hiện nay của giáo xứ Rạch Giá kỷ niệm tròn 100 năm xây dựng, riêng lịch sử của họ đạo thì đã khởi nguồn từ rất lâu trước đó. Trải qua hành trình dài ươm mầm và phát triển, Rạch Giá hiện là một trong những họ đạo lớn mạnh bậc nhất tại giáo phận miền sông nước Long Xuyên.


Họ đạo lớn mạnh và lâu đời
“Chỉ cần vài năm nay không đến nhà thờ Rạch Giá, giờ quay lại anh sẽ thấy mọi thứ thay đổi rõ rệt”, người phụ nữ bán nước ven đường đã cho chúng tôi biết như thế khi được hỏi. Đúng như lời chị miêu tả, nhà thờ Rạch Giá hiện lên với một hình ảnh hết sức tươi mới. Nếu như ngày trước. hai bên con sông Kiên chảy qua trước nhà thờ, người dân dựng nhà san sát để ở, quang cảnh lụp xụp, nhếch nhác thì sau quá trình chỉnh trang đô thị, nhà thờ giờ đây có được không gian rộng rãi với mặt tiền hướng ra bờ sông. Cũng từ ngày có khuôn viên thông thoáng, những sinh hoạt ngoài trời của họ đạo càng được đẩy mạnh. Lúc chúng tôi ghé qua là lúc chập tối, cũng là thời điểm các em thiếu nhi tụ về vui chơi nơi khuôn viên nhà thờ, ở một khoảng sân là các lớp học võ nhằm nâng cao sức khỏe… Một xứ đạo đầy tràn sức sống đọng lại trong tầm mắt mọi người.
Ngôi nhà thờ Rạch Giá nguyên thủy khi mới hoàn thành với tháp chuông mái bằng

Lược sử giáo xứ ghi lại, từ cuối thế kỷ 17, đất Rạch Giá đã xuất hiện những tín hữu đầu tiên. Nhưng mãi đến năm 1882, nơi đây vẫn chỉ là một họ đạo nhỏ lẻ với khoảng 10 gia đình Công giáo. Năm 1887, cha Joseph Blondet thuộc Hội Thừa Sai Paris đã đi từ giáo phận Nam Vang (Campuchia) sang đây để tiếp tục mở mang Nước Chúa. Từ đó có thêm nhiều người được rửa tội, cha Blondet cũng trở thành cha sở tiên khởi. Vốn là vùng đất có khí hậu ôn hòa thuận lợi làm nông nghiệp, lại gần biển, thuận tiện cho ngư nghiệp nên số cư dân đến định cư sau đó ngày một đông lên. Đất lành chim đậu, đến hôm nay Rạch Giá đã là xứ đạo sầm uất với khoảng 9.000 tín hữu. Trong giáo phận Long Xuyên, đây còn là một “cây đại thụ”, bởi lẽ từ xứ mẹ Rạch Giá đã khai sinh ra 11 xứ đạo mới, và con số đó vẫn chưa dừng lại…
Tổ chức cho bà con nghèo lên Sài Gòn mổ mắt miễn phí

Còn về địa danh Rạch Giá thì theo các cụ cao niên trong xứ, tên gọi này vốn đã xuất hiện từ rất lâu, với tên ban đầu là Rạch Cây Giá, phù hợp với địa thế vùng cửa sông, hai bên bờ mọc toàn cây giá phủ kín những con sông đổ ra biển. Sau này, bà con sử dụng tên Rạch Giá để dễ gọi, dễ nhớ.

San sẻ tình yêu thương
Với những thuận lợi về thời tiết, nguồn lợi thiên nhiên, cộng với việc tọa lạc ngay trung tâm thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) nên phần đông giáo dân trong xứ sinh sống bằng buôn bán hoặc bám biển; số khác làm nông; còn lại là công nhân viên chức. Nhiều ngành nghề đã giúp cho đời sống bà con thay đổi từng ngày.
Thiếu nhi được quan tâm bằng nhiều hoạt động

Dù ngày nay cái nghèo, cái đói không còn nhưng không vì thế mà người dân quên đi tháng ngày vất vả nên khi có khả năng, bà con quay lại chung tay giúp đỡ những phận đời còn khó khăn. Có lúc, Rạch Giá được xem như một “trung tâm” về các hoạt động tương thân tương ái. Đó là vào thời kỳ cha Giuse Nguyễn Văn Việt, người coi sóc họ đạo từ năm 1975 - 2005, lập nên trường khuyết tật tình thương chuyên nuôi và dạy nghề cho trẻ câm điếc, lưu xá sinh viên nghèo, các lớp dạy nghề cho thanh niên trong vùng, quỹ học bổng giúp nhiều thế hệ học sinh… Về sau, các dòng tu được mời đến cùng cộng tác và giáo xứ dần chuyển giao các cơ sở này cho nhà dòng quản lý. Tuy nhiên bằng nhiều cách, bà con họ đạo vẫn luôn hỗ trợ, đồng hành.
Cha phó xứ Phêrô Nguyễn Trung Khiết tặng quà tình thương cho người nghèo

Ở những vùng ven thành phố do hiện vẫn còn tập trung khá nhiều hoàn cảnh khó khăn nên các hoạt động sẻ chia vẫn được duy trì cách đều đặn, trong đó được quan tâm hơn cả là người già neo đơn, các gia đình nghèo đông con không đủ điều kiện lo cho con cái học hành. Ngoài phát gạo, quà tình thương hằng tháng cùng quỹ học bổng, giáo xứ còn liên hệ với các đoàn từ thiện đến khám bệnh và cấp phát thuốc. Hằng năm có những chuyến xe chở bà con lên Sài Gòn mổ mắt, mổ tim miễn phí… “Giáo xứ luôn hướng cho giáo dân ý thức rằng khi bản thân chắp tay cầu phúc, Chúa cũng mời gọi mình dang tay làm phúc thì lời cầu mới được chúc phúc. Vậy nên trong xứ, việc đồng hành với người nghèo rất được bà con chung tay mạnh mẽ”, cha phó Phêrô Nguyễn Trung Khiết, người trực tiếp coi sóc mảng bác ái của họ đạo chia sẻ.
Chính việc sẻ chia không ngừng nghỉ đã vẽ nên một bức tranh Rạch Giá đầy sinh động, ở đó tình người luôn là điểm nhấn rõ nét nhất.
ÐÌNH QUÝ
Nguồn:CGVDT

Tranh 15 thế kỷ trước tiết lộ diện mạo Chúa Giêsu?

Một trong những bức họa cổ nhất về Chúa Giêsu, có niên đại ít nhất 1.500 năm, vừa được tìm thấy trên bức tường của một nhà thờ bị bỏ hoang tại sa mạc Israel.

Tiến sĩ Emma Maayan-Fanar, chuyên về lĩnh vực lịch sử nghệ thuật của Đại học Haifa (Isarel), đang tiến hành khảo sát di tích khảo cổ học từng thuộc về một nhà thờ ở Shivta, trên sa mạc Negev ở miền Nam nước này, thì chợt phát hiện đôi mắt trên một bức tường phủ đầy bụi bặm. Bà cẩn thận làm sạch bề mặt tường và vui mừng khi tìm thấy một bức vẽ mô tả Chúa Giêsu nhận phép rửa do người xưa khắc họa tự bao giờ. Đây là khám phá được liệt vào dạng “vô cùng hiếm” vì những hình ảnh đời đầu về Đức Kitô trên thực tế hầu như không tồn tại ở Israel.

Hình ảnh khác biệt
“Khuôn mặt của Ngài ở ngay đó”, nữ tiến sĩ chia sẻ phát hiện của mình với tờ HaaretzTôi có mặt ở đó vào đúng lúc, đúng góc độ của ánh sáng, và đột nhiên, tôi thấy được đôi mắt. Đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu khi nhận phép rửa, nhìn về phía chúng tôi”, bà cảm thán. Tiến sĩ Maayan-Fanar tiếp tục thảo luận về sự khác biệt giữa hình ảnh cổ này và cách thức phương Tây thể hiện về bề ngoài của Người. Có thể nói, khuôn mặt được người xưa khắc họa tại làng cổ hoàn toàn khác với hình tượng phổ biến về Chúa Giêsu theo tranh họa thường thấy của phương Tây - bao gồm tóc dài gợn sóng, râu quai nón và da trắng. Trong khi đó, hình ảnh vừa được tìm thấy lại hoàn toàn khác, theo The Christian Post.

Vì Kinh Thánh chưa từng mô tả chi tiết khuôn mặt của Chúa Giêsu, và cũng không có tài liệu nào tiết lộ rõ bề ngoài của Thầy. Mỗi hình ảnh của Đức Chúa mà người đời sau nhìn thấy đa phần dựa trên sự tưởng tượng của con người. Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Người được mô tả theo nhiều cách khác nhau, từ tóc ngắn đến tóc dài, có râu quai nón hoặc không để râu. Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 6, các hình ảnh từ phương Tây thường xuyên hình dung ngài với mái tóc gợn dài và có râu quai nón. Do hứng chịu ánh sáng gay gắt của mặt trời qua nhiều thế kỷ, hình ảnh tìm được tại làng cổ Shivta chỉ còn để lại những đường nét mờ nhạt và màu sắc đã phai. Thế nhưng, tiến sĩ Maayan-Fanar và các đồng sự nhận định bức vẽ mô tả một thanh niên “với mái tóc xoăn, ngắn, khuôn mặt dài, mắt to và mũi dài”.

Chứng cứ từ cuộc nghiên cứu khác
Vào đầu năm nay, Joan E. Taylor, giáo sư chuyên nghiên cứu lịch sử Kitô giáo và Do Thái giáo thời kỳ Đền thờ Thứ hai (từ năm 515 trước CN đến năm 70 sau CN) tại Đại học Hoàng đế London (Anh), đã phát hành một quyển sách với nhan đề “Chúa Giêsu trông như thế nào?”. Tờ The Irish Times lúc đó viết: “Những hình ảnh khắc họa ban đầu về Chúa Giêsu, theo đó thiết lập hình mẫu được truyền đến nhiều đời sau, đã dựa trên bề ngoài của một hoàng đế. Mái tóc dài và bộ râu quai nón được sao chép từ hình mẫu của thế giới thần thoại Hy - La. Một số bức chân dung cổ xưa nhất về Người còn tồn tại đến ngày nay đều mô tả Thầy như thần Zeus, thần biển Neptune hoặc thần Serapis, nhưng trẻ tuổi hơn”.
Tuy nhiên, theo phân tích của giáo sư Taylor, về khía cạnh màu sắc, tóc của Đức Giêsu phải dao động từ tông nâu đen đến đen, mắt nâu, da màu nâu ô liu. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu phải là người có diện mạo đặc trưng vùng Trung Đông. Về phần chiều cao, chiều cao trung bình của đàn ông thời đó vào khoảng 1,66m. Trong khi niên đại chính xác của hình vẽ trong sa mạc Israel vẫn chưa được xác định, dựa trên điểm mấu chốt là Shivta, nhiều khả năng bức chân dung của Chúa Giêsu được vẽ nên từ cách đây 1.500 đến 1.800 năm. Tàn tích của ngôi làng cổ đã được khai quật vào năm 1871, nhưng suốt từng ấy năm, các chuyên gia khảo cổ học chỉ tập trung nghiên cứu cấu trúc xây dựng của cộng đồng xưa, và chẳng ai từng phát hiện hình ảnh này trước đó.
Dù Kitô giáo ra đời trên Đất Thánh, hiếm khi nào có tranh ảnh mỹ thuật vào thời kỳ đầu có thể tồn tại trên lãnh thổ Israel cho đến ngày nay. Kể từ đầu thế kỷ thứ 8, nhiều Kitô hữu sống trong thời đế quốc Byzantine tạo ra các hình ảnh tôn giáo để thờ phụng. Nhưng tập tục này đã bị liệt vào dạng bất hợp pháp dưới thời Hoàng đế Leo III vào năm 726 sau CN, và tiếp tục được duy trì cho đến giữa thế kỷ thứ 9. Vì thế, những đường nét trên tường nhà thờ vừa được phát hiện nhiều khả năng là bức họa đầu tiên vẽ cảnh tượng Chúa Giêsu nhận phép rửa từng được tìm thấy trên Đất Thánh.

Làng cổ từ thế kỷ thứ hai
Hiện bức họa trên tường đang được phân tích bằng các kỹ thuật hiện đại nhất. Nó được tìm thấy trong phần còn lại của nhà thờ xây theo kiến trúc Byzantine ở Shivta, một ngôi làng chuyên canh tác nông nghiệp ở giữa sa mạc Negev, cách thành phố lớn nhất sa mạc là Be’er Sheva khoảng 40 cây số về hướng tây nam. Ngôi làng được lập nên vào thế kỷ thứ hai và duy trì được hơn 6 thế kỷ, trước khi lâm vào tình trạng bỏ hoang vào thời gian Hồi giáo xuất hiện tại khu vực.

LING LANG
Nguồn: CGVDT

VTV1 Ngợi Ca Linh Mục Nguyễn Sang

Chuyên mục Việc Tử Tế của đài Truyền hình VTV1 đã ngợi ca Lm Nguyễn Sang vì những gì Cha đóng góp cho người nghèo.

Cha Sang đã dùng tiếng hát của mình để quyên góp làm từ thiện cho biết bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn, mời các bạn xem Video




Nguồn: VTV1

Dòng Ðức Bà bền bỉ với sứ vụ giáo dục

Có mặt tại Việt Nam gần một thế kỷ, những nữ tu Dòng Đức Bà Congrégation Notre Dame - (CND) đã dìu dắt biết bao lớp trẻ trên con đường tri thức.

Gieo chữ mọi nơi
Nhóm 12 nữ tu tiên phong thuộc tỉnh dòng Pháp đã đến vùng đồi núi Lâm Viên (Đà Lạt) và đặt nền móng xây dựng ngôi trường đầu tiên mang tên Đức Bà Lâm Viên vào năm 1935. Trong khi chờ xây dựng, các chị tạm trú trong một ngôi biệt thự và bắt đầu dạy học. Giữa vùng rừng núi hoang vu, họ như những đốm lửa sưởi ấm cho nhiều gia đình nghèo. Có người đã đưa con băng qua 500 cây số đến trọ học với sự xúc động và biết ơn sâu sắc. Khi tòa nhà Đức Bà Lâm Viên hoàn thành vào năm 1936, trường bắt đầu đón nhận học sinh. Nhìn thấy số trẻ thất học còn đông, năm 1950, dòng Đức Bà lại tiếp tục mở trường Nữ Vương Thế Giới tại Sài Gòn. Từ lớp giữ trẻ, cứ qua mỗi năm, trường lại mở thêm một lớp lớn hơn từ tiểu học đến trung học. Hiện nay, hai ngôi trường này trở thành trường trung học phổ thông cho người dân tộc ở Đà Lạt và trường Lê Thị Hồng Gấm nằm cạnh trụ sở chính của nhà dòng (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM).
Sự tận tụy của accs chị trong giảng dạy đã vun xới nhiều mầm xanh chồi
Tiếp bước những nữ tu tiên phong, dòng luôn bền bỉ với sứ vụ giáo dục. Vào thời điểm năm 1990, nghe được câu chuyện trẻ nghèo không đủ điều kiện đi học từ chia sẻ của một giáo dân, nhà dòng lập tức mở lớp tình thương tại xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè (nay là quận 7) để nâng đỡ các em. Ban đầu, không có cơ sở, các chị mượn tạm chuồng heo bỏ trống của hợp tác xã chiếu cói rồi ngăn vách ra dạy. Ngày đó, học sinh “lớp chuồng heo” toàn trẻ lang thang, bụi đời. Các em lăn lộn bên ngoài khi còn quá nhỏ nên tâm hồn trẻ thơ sớm trở nên chai sạn. Vậy mà khi thấy các nữ tu mở lớp, bọn trẻ lại đến học rất đông. Tận tụy dìu dắt, các chị đã tưới mát, vun xới cho từng cây non dần xanh tốt trở lại.
Thời gian sau, các lớp tình thương được chuyển sang khu đất mới và có cơ sở khang trang, đến năm 1995 thì trở thành một nhánh của trường tiểu học Nguyễn Thị Định. Năm 2007, các nữ tu tiếp tục mở cấp II theo diện giáo dục thường xuyên, trực thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 7. Hiện hai trường cấp I, II này chính là trường tình thương Ánh Linh dành cho trẻ nghèo. Ngoài hoạt động tại trường Ánh Linh, dòng còn nhận điều hành trường tiểu học Việt Anh tại Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) qua lời mời của linh mục Phaolô Dương Công Hồ - người lập trường.
Bên cạnh mở trường dạy học sinh các cấp, Dòng Đức Bà cũng quan tâm rất nhiều đến bậc mầm non. Các chị mở trường mẫu giáo Phúc Xá ở Long Thành (Đồng Nai) và Sương Mai trong khuôn viên dòng tại Sài Gòn. Nhiều phụ huynh có con em tự kỷ đã tìm gởi các nữ tu dạy dỗ, nâng đỡ. Bởi thế, hai trường nói trên có thêm những lớp chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, góp phần chia sẻ gánh nặng cho không ít phụ huynh.
Giáo dục là hiện diện
Từ năm 1990, song song với dạy văn hóa cho lớp tình thương, các nữ tu dòng Đức Bà còn hướng dẫn cho học sinh thêu thùa, may vá. Thấy trò tiếp thu nhanh và có vẻ yêu thích, các chị đi xin máy may cũ về và dạy thêm cả nghề may. Có một thời, trường tình thương Ánh Linh còn cung cấp rất nhiều thợ may cho khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Về sau này,  nhiều lớp nghề như thêu, may, đính cườm, vi tính... dần mở ra tại các trường thuộc dòng Đức Bà như một phương cách hỗ trợ để học sinh của mình có thêm cái nghề làm hành trang vào đời. Có cơ sở để dạy học, các chị lại ưu tư đến nơi ăn chốn ở của trò. Ở vùng Thạnh An (Cần Thơ) và Rạch Giá (Kiên Giang), dòng đã lập hai lưu xá hỗ trợ các em nhà ở quá xa.
Hơn 80 năm hiện diện tại Việt Nam, dòng Đức Bà đã dấn thân trong rất nhiều lĩnh vực. Giám tỉnh hiện tại của nhà dòng, nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, chia sẻ: “Giáo dục ở đây được hiểu theo một nghĩa rộng. Không chỉ là dạy học, mà còn là sự hiện diện. Các nữ tu của dòng dù cộng tác trong lĩnh vực nào, ở đâu cũng mang theo sứ mệnh giáo dục, cố gắng phục vụ hết mình, góp phần vực dậy, nâng đỡ, mở lối cho anh chị em xung quanh”.
Trong lĩnh vực y tế, có rất nhiều nữ tu của dòng đã và đang là y tá, bác sĩ cho bệnh viện bên ngoài. Bằng tình thương, sự hiện diện của các chị đã an ủi tinh thần cho rất nhiều bệnh nhân, và quan trọng hơn hết chính là tấm gương tận tụy cho các đồng nghiệp noi theo. Về nghệ thuật, những chị từng làm việc tại Đài truyền hình  trước năm 1975 đã dùng khả năng biên kịch của mình viết nên những vở kịch rối giáo dục thiếu nhi. Các nữ tu có chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý thì tất bật với vai trò giảng viên, thuyết trình viên trong nhiều khóa chuyên đề, hội thảo về tâm lý gia đình tại những giáo xứ, các trường đại học. Nhiều chị tham gia giảng dạy về Thánh Kinh, thần học và là thành viên của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ...
Các nữ tu Dòng Đức Bà còn dạy nghề cho các em có thêm hành trang bước vào đời
Những nữ tu dòng Đức Bà cũng hiện diện trong đời sống hằng ngày của các gia đình nghèo. Họ lặng lẽ tiết kiệm từng đồng bỏ heo đất để rồi hằng tuần nấu bữa ăn ngon lành cho các cụ neo đơn khu vực Long Thành. Thêm nữa, còn cho người nghèo vay vốn để làm ăn. Đáp lại tấm lòng của các nữ tu, người vay vốn khi đã kiếm được đồng lời thì rất giữ chữ tín, gởi lại cho nhà dòng để đồng tiền tiếp tục xoay vòng đến các gia đình khó khăn khác. “Dùng sự mở lòng, chia sẻ của mình để đổi lấy chữ tín nơi họ, đấy cũng là một cách giáo dục”, nữ tu Giám tỉnh nhận định.
Trước khi đến với ơn gọi, một số nữ tu của dòng  đang làm giáo viên. Lúc vào dòng, họ tiếp tục giảng dạy tại các trường như Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie, Lê Thị Hồng Gấm... Khi đã về hưu, trở về dòng, vẫn miệt mài trong sứ vụ của mình bằng việc dạy học. Có nữ tu đã 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn quy tụ từng nhóm nhỏ để dạy Anh văn.
Các nữ tu dòng Đức Bà vẫn luôn hết lòng với giáo dục và âm thầm truyền ngọn lửa tri thức cho thế hệ mai sau.
TRẦN CHÂN
Nguồn: CGVDT

Lửa mến ở một giáo xứ có truyền thống đạo đức

Trong dòng chảy của đô thị, giáo xứ Tân Hòa (TGP.TPHCM) vừa âm thầm lưu giữ những giá trị truyền thống, vừa năng động để bắt kịp nhịp thở của thời đại.

TỪ KIẾN THIẾT ĐẾN TÂN HÒA
Tân Hòa xưa kia là họ lẻ của giáo xứ Bùi Phát, được gọi là nhà thờ Kiến Thiết, vì tọa lạc trong khu vực cư xá Kiến Thiết (quận Phú Nhuận). Cư xá này gồm hai khu Ngói Đỏ và Ngói Trắng, do ông Micae Vũ Văn Hoạt - ông trùm xứ lúc bấy giờ nhận xây cất. Ngói Trắng được xây dựng năm 1957 và nhà thờ Kiến Thiết nằm ngay phía cuối của khu này. Khi ấy, nơi đây còn là vùng sình lầy, không gian chung quanh um tùm bởi cỏ cây bao bọc. Số dân ban đầu của giáo họ chưa được 100 người, nhưng đến khi khu Ngói Đỏ được hình thành vào năm 1960 thì số nhân danh tăng lên khoảng 400 người. Năm 1958, bà con họ Kiến Thiết cùng nhau dựng nên ba mái nhà tranh vách đất làm Nhà Chúa trên vùng đất mà họ đang khai phá. Từ đó trở đi, cứ đều đặn mỗi Chúa nhật, linh mục Giuse Đỗ Trọng Kim, thời điểm ấy là phó xứ Bùi Phát, lại qua dâng lễ cho bà con. Theo thời gian, số giáo dân nơi đây tăng ngày một đông nên năm 1959, hai trong số ba gian nhà lá lúc trước đã được bà con xây lại bằng gạch để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Theo nhịp phát triển của giáo họ, năm 1960, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục GP Sài Gòn, đã ban sắc lệnh nâng họ lẻ Kiến Thiết lên hàng giáo xứ với tên mới là Tân Hòa.
Kể từ ngày được chính thức thành lập đến nay, giáo xứ đã trải qua ba đời cha sở coi sóc. Vị chánh xứ tiên khởi của Tân Hòa là linh mục Giuse Đỗ Trọng Kim. Trong giai đoạn ngài tại vị, giáo xứ bắt đầu được tổ chức bài bản. Các hội đoàn dần được lập nên như hội dòng ba, Kinh Mân Côi, Legiô Mariae, ca đoàn, giúp lễ, Nghĩa Binh Thánh Thể... Năm 1966, ngôi nhà thờ kiên cố được xây dựng. Giáo dân Tân Hòa đã có một nơi mới, khang trang hơn để thờ phượng Chúa. Trong trí nhớ của một vài người cao tuổi ở họ đạo, cha Giuse là một mục tử rất tôn kính Đức Mẹ. Hình ảnh của ngài đọng lại trong ký ức của giáo dân là trên tay lúc nào cũng cầm chuỗi tràng hạt. Lòng tôn kính này đã âm thầm truyền lửa mến cho bà con giáo dân và làm nên truyền thống đạo đức nơi giáo xứ.
Năm 1973, cha Giuse qua đời, linh mục phó xứ Đaminh Bùi Minh Sơn được bổ nhiệm làm chánh xứ Tân Hòa. Tính từ khi làm phó (1965) đến hết khoảng thời gian giữ chức chánh xứ, cha Đaminh đã gắn bó với Tân Hòa gần 50 năm. Thời gian này, cha tiếp tục vun đắp cho đời sống đạo của bà con, duy trì lòng kính mến Đức Mẹ. Năm 1995, ngài kêu gọi xây dựng ngôi thánh đường mới, được dùng cho đến ngày nay. Sau khi cha Đaminh mất năm 2012, linh mục Giuse Hoàng Kim Toan nhận bài sai về làm chánh xứ Tân Hòa đến hiện nay.
Tặng bò cho bà con nghèo giúp họ có thêm việc làm

SỨC SỐNG NƠI XỨ ĐẠO VÙNG ĐÔ THỊ
Trên nền tảng của tiền nhân đã để lại và dưới sự dìu dắt của cha sở mới, giáo xứ Tân Hòa tiếp tục lòng nhiệt thành với những sinh hoạt đạo đức và nhiều hoạt động xã hội phong phú.
Trong năm, ngoài các đợt thiện nguyện riêng của hội đoàn, giáo xứ còn có một chuyến đi chung với nhau, về những vùng sâu vùng xa để nâng đỡ bà con khó khăn. Bên cạnh các phần quà là nhu yếu phẩm, lương thực, giáo xứ chú trọng đến việc giúp đỡ sao cho phù hợp với nhu cầu của người nghèo ở từng địa phương. Bởi thế, trước mỗi chuyến bác ái, xứ lại cử ra vài thành viên đi tiền trạm trước để  xem người nghèo ở đó đang cần gì. Chính nhờ mối quan tâm sâu sát này nên những món quà trao đi cũng theo đó mà rất đa dạng và đúng nhu cầu, lúc thì căn nhà tình nghĩa, lúc cặp bò, có khi lại là chăn mền, quần áo... Ông Đỗ Kim Hùng, Trưởng ban Caritas giáo xứ Tân Hòa chia sẻ: “Nhờ có sự giúp đỡ của một số mạnh thường quân mà anh chị em trong giáo xứ mới có thêm điều kiện để hỗ trợ cho bà con vùng sâu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng góp vào kinh phí đi bác ái  bằng nhiều cách, ví dụ như hằng tuần, anh chị em lại quy tụ về nhà thờ cùng nhau đi gom ve chai. Bà con giáo dân trong vùng đã quen nếp nên Chúa nhật nào cũng để sẵn đấy. Mỗi người một tay, chung sức nhau mà vun đắp cho quỹ người nghèo”. Tìm hiểu về những công việc bác ái của giáo xứ, chúng tôi thấy dường như trong hành trình đồng hành với người nghèo, họ đạo này luôn cố gắng làm sao để giúp người ta thoát nghèo hơn là chỉ đỡ đần họ nhất thời. Vì thế, cha sở và các hội đoàn thường xuyên viếng thăm bà con sinh sống tại họ đạo để biết rõ hoàn cảnh của từng gia đình. Sau đó, tùy trường hợp, giáo xứ thường giúp vốn làm ăn, giúp đỡ đi học nghề, tạo điều kiện cho vào nhà thờ giữ xe hay tặng xe đạp để người trẻ có phương tiện đi học...
Giáo xứ thường có những chuyến bác ái đến vùng sâu, vùng xa để nâng đỡ bà con nghèo
Vì giáo xứ có khuôn viên rộng, cha sở lại làm thêm sân chơi thể thao nên thường ngày, ngoài những giờ lễ, sân nhà thờ luôn rộn tiếng vui đùa của giới trẻ, thiếu nhi. Đến giáo xứ vào những ngày chuẩn bị vào hạ, bầu không khí sôi động càng hiện rõ. Ông Phạm Ngọc Hữu, Chủ tịch HĐMVGX Tân Hòa cho biết vào mùa hè, xứ lại tổ chức các giải đấu bóng bàn, cầu lông, đá banh... Có khi còn mời cả xứ bạn như Tân Chí Linh, Đaminh Ba Chuông tham dự. Hoạt động này vừa để rèn sức khỏe, hơn hết vẫn là thắt chặt tình liên kết giữa mọi người trong và ngoài xứ. Riêng đối với giới trẻ, sân chơi này lại đem đến cho họ niềm vui và trải nghiệm thú vị. Anh Bùi Lê Minh Khôi, giáo dân Tân Hòa kể lại: “Các bạn trẻ, nhất là ở độ tuổi đang học cấp 3 rất hào hứng với những giải đấu của giáo xứ. Nhiều bạn còn xin tổ chức thêm, vì sau khi học hành căng thẳng, đây là quãng thời gian để vui chơi, giải trí. Phía phụ huynh thì nhiệt tình ủng hộ vì họ an tâm khi con mình lui tới giáo xứ, góp mặt trong sân chơi lành mạnh này”.
Vào mùa hè giáo xứ tổ chức những giải đấu thể thao tạo sân chơi liên kết mọi người
Giáo dân Tân Hòa luôn ý thức trong việc vun đắp xứ đạo, từ hun đúc đức tin cho đến góp sức vào các sinh hoạt. Chiều ngược lại, giáo xứ cũng ra sức kết nối bà con giáo dân, để họ thêm yêu mến Nhà Chúa và anh em thành viên trong cùng một xứ. Cứ mỗi năm, họ đạo lại tổ chức một chuyến đi chơi xa cho bà con, không phân biệt thành phần. “Chuyến đi chơi này thu hút rất đông giáo dân đăng ký. Sau khi cộng tác trong công việc phục vụ nhà thờ, đây cũng là một dịp để mọi người gần nhau và hiểu nhau hơn”, ông Hữu nói.
Xiết chặt tay trong tình đoàn kết, giáo dân Tân Hòa đã cùng góp sức với vị chủ chăn của mình, bồi đắp cho giáo xứ ngày một phát triển.
THIÊN LÝ
Nguồn: CGVDT

Lớp học Kinh Thánh giữa lòng đô thị

Hơn 3 năm qua, đều đặn vào mỗi tối thứ 5 hằng tuần, lớp học Kinh Thánh tại nhà nguyện Đắc Lộ, dòng Tên (Q.3), do cha Antôn Nguyễn Cao Siêu phụ trách đã thu hút nhiều giáo hữu nhiệt thành đến học hỏi Lời Chúa.
Lớp học thu hút đông đảo học viên đến học hỏi Kinh Thánh
Chia sẻ về ý tưởng mở lớp học này, cha Antôn cho biết mọi việc làm đều được Chúa mời gọi qua những người khác: “Năm 2014, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm có ngỏ lời mời tôi tiếp tục chương trình dạy Kinh Thánh cho giáo dân, và tôi theo cho đến bây giờ. Bên cạnh đó, là người được đào tạo về thần học Thánh Kinh, tôi cũng muốn trả ơn Chúa. Nhận thấy nhiều người Kitô hữu còn quá thờ ơ với việc đọc và đào sâu bản văn Tin Mừng, nên hy vọng lớp học này sẽ giúp các học viên đọc và hiểu sứ điệp của Phúc Âm một cách chắc chắn, từ đó đem áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống”.
Học viên đến với lớp học bao gồm nhiều thành phần, không chỉ có giáo dân mà có cả những tu sĩ cũng đến để hiểu sâu hơn về Lời Chúa. Tuy không hề quảng bá nhưng lớp học vẫn thu hút một số lượng khá đông người học bền bỉ theo lớp hơn ba năm qua. Cô Phạm Thị Mai Hương (Gx Thánh Gia), người thường phụ giúp những công việc trong lớp học cho biết:“Những ngày đầu lớp học có khoảng 150 người, đến bây giờ duy trì đều đặn xấp xỉ 100 học viên”. Có những học viên ở xa, như tại Thủ Đức, tối thứ năm nào cũng bắt xe buýt đi học vì tuy đường sá cách trở nhưng càng học, càng hiểu được Lời Chúa qua bản văn Kinh Thánh thì say mê lúc nào không hay.
Học viên chăm chú ghi chép
Dễ dàng nhận thấy, hầu như nhà nào cũng có ít nhất là một cuốn Tân Ước, nhưng hiếm khi mở ra đọc, lâu ngày để bụi bặm bám vào. Vấn đề là làm sao để cho giáo dân cảm thấy thích, hiểu và thú vị với việc đọc Kinh Thánh. Cha Antôn chia sẻ: “Không có cách nào khác phải gợi hứng cho họ, phải để cho họ động chạm đến cuốn Kinh Thánh, lật mở, đọc, suy nghĩ tìm ý Chúa sau lớp vỏ ngôn từ”. Từ đó, cha có cách dạy riêng, mỗi buổi học đi sâu khám phá nội dung một bài Phúc Âm Chúa nhật, cha đề ra 10 câu hỏi, chủ ý gợi mở để giáo dân muốn đi học, muốn hiểu bài bắt buộc phải cầm cuốn Kinh Thánh lên để tìm câu trả lời. Đến lớp, lần lượt từng câu hỏi sẽ được chính người học thay phiên nhau trả lời, mỗi người đóng góp một ý, có đúng, có sai, và cha sẽ là người hướng dẫn giúp họ hiểu đúng ý của tác giả bản văn. Kết thúc buổi học đều có câu hỏi cho tuần sau. Cách học tại lớp của cha buộc giáo dân phải đọc và tìm câu trả lời. Câu hỏi đi từ dễ đến khó, xoáy vào những câu, những chữ trong bản văn, tìm điểm nhấn và ý chính từ đó nội dung của toàn bài Phúc Âm sẽ sáng rõ dần. Chị Nguyễn Thị Nhi Thanh, một học viên “kỳ cựu”, tâm sự nhờ cách học này mà chị theo lớp từ lúc mới bắt đầu đến bây giờ: “Phương pháp của cha Siêu làm cho đoạn Tin Mừng trở nên sống động và dễ hiểu. Những khi phải vật lộn với bản văn để tìm câu trả lời, mình đều xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn”.
Tham dự viên được đóng vai trò tích cực, chính họ là người khám phá, được lên tiếng nói, chia sẻ ý kiến. Vì thế, dù là học Kinh Thánh nhưng buổi học lúc nào cũng nhẹ nhàng vui vẻ, và tràn ngập tiếng cười”, cha Antôn nói. Gần 2.000 câu hỏi Phúc Âm đã được đặt ra cho lớp trong hơn 3 năm qua. Theo chia sẻ của cha Antôn, trước khi soạn bài, cha đều cầu nguyện trước Thánh Thể, vì thế ngài cảm nhận được ơn Chúa luôn soi sáng và gìn giữ.
Tích cực đóng góp câu trả lời
Tuy khá kỳ công, mất thời gian nghiền ngẫm, có khi phải đối chiếu nhiều văn bản, nhưng những ai theo học, khi đã “nếm” được cái hay của Lời Chúa thì đều thích thú và kiên trì. Quan trọng hơn cả là luôn có một câu hỏi suy niệm cuối bài học để giáo dân tự quy chiếu về bản thân, tự đặt mình vào trong hoàn cảnh mà bản văn nói tới rồi tự vấn mình sẽ làm gì, sẽ hành xử ra sao? Khi đã hiểu được những bài học mà Chúa muốn dạy qua các ghi chép của thánh sử rồi thì một tuần sau đó người học sẽ dễ dàng áp dụng vào trong cuộc sống thường ngày. Chị Bảo Trâm giãi bày, khi đã hiểu cặn kẽ và hiểu Lời Chúa rồi thì thấy mình như được biến đổi: “Cách học này giúp mình đào sâu Lời Chúa qua 3 lần, lần đầu soạn bài tìm đáp án, lần thứ 2 trả bài trên lớp, lần thứ 3 đi lễ Chúa Nhật nghe cha giảng. Nhờ vậy mà Lời Chúa thấm nhập sâu vào tâm hồn giúp mình hiếu biết đúng đắn và sống đạo thêm sốt mến”.
Nói về lớp học của mình, cha Siêu vui vẻ: “Dạy giáo dân cũng có niềm vui riêng, những ai đến lớp học thì họ đều có thiện chí và ham học hỏi. Chỉ mong là sau khi học xong, giáo dân vẫn giữ được thói quen đọc Sách Thánh, để rồi sống đạo và thực hành Lời Chúa có chiều sâu hơn”.
NHƯỢC  NAM
Nguồn: CGVDT

Đất thánh các linh mục trong tháng Các Linh hồn -2018

Vào lúc 8giờ30 ngày 8.11, tại giáo xứ Chí Hòa (TGP.TPHCM), Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho các Đức cha và các cha đã từng phục vụ trong giáo phận mà nay đã qua đời.
Hiện mọi công tác chuẩn bị tại đất thánh các linh mục đã được hoàn tất.

Đình Quý
Nguồn: CGVDT

Phòng khám của những nữ tỳ Chúa Giêsu


Nép mình trên con đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận, TPHCM), hơn 40 năm qua, cơ sở khám chữa bệnh từ thiện dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục đã trở thành mái nhà thân thương của biết bao người nghèo khổ.
Cùng với sự phát triển của hội dòng, phòng khám từ thiện đã hiện diện từ năm 1974. Theo lời kể của các nữ tu, thoạt đầu nơi đây chỉ là một căn phòng nhỏ với tủ thuốc cỏn con và vài ba giường bệnh nên chủ yếu phục vụ bà con trong các xóm đạo. Dần dần, nhờ sự đóng góp từ ân nhân, các thiết bị điều trị được thay mới, thuốc men cũng được bổ sung để đáp ứng nhu cầu. Với sự tận tụy của các nữ tu, người bệnh được chăm sóc một cách chu đáo nên tiếng lành đồn xa, bệnh nhân từ nhiều nơi tìm đến, trong thành phố và các tỉnh xa xôi. Sau hơn 40 năm hoạt động, các thế hệ nữ tu nơi đây đã duy trì và phát triển phòng khám trở thành địa chỉ tin cậy, thân quen của bà con. Hội dòng đã và đang đầu tư cho các chị em nâng cao chuyên môn và mở rộng tủ thuốc, bên cạnh đó hỗ trợ các phần quà cho những bệnh nhân đặc biệt khó khăn.
Người bệnh đến điều trị tại phòng khám
Phòng khám mở cửa ba buổi/tuần vào các sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu, trung bình mỗi buổi đón khoảng 80 lượt bệnh nhân, cũng có ngày lên tới 100 người. Hiện tại, đội ngũ y sĩ phục vụ đều là các nữ tu trong dòng, cộng với sự giúp sức của một số chị tình nguyện viên tại giáo xứ Phát Diệm (TGP.TPHCM) và các nơi lân cận. Trong đó, có 1 nữ tu là lương y, 2 nữ tu y sĩ đảm nhận công việc chẩn đoán. Người bệnh được điều trị theo phương pháp Đông y, chủ yếu là bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu… Trong căn phòng nhỏ, 6 giường bệnh và các thiết bị vật lý trị liệu được sắp xếp trật tự, gọn gàng. Khuôn viên hội dòng trồng nhiều cây cỏ thoáng mát là không gian thích hợp cho bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động, hít thở không khí trong lành.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, việc an ủi tinh thần bệnh nhân rất được chú trọng. Nữ tu - lương y Maria Barnabê Đinh Thị Kim Danh cho biết:“Chữa bệnh thân xác thì dễ nhưng làm sao cho người bệnh lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống mới thật sự cần thiết, vì nỗi đau trong tâm thì khó lành”. Phòng khám tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng với người bệnh, ở đây luôn đầy ắp tình thương. Các nữ tu phục vụ như những người thân thuộc, luôn lắng nghe, ủi an bệnh nhân trên tinh thần đỡ nâng, vô vị lợi. Bầu khí ấm áp ấy lại được đan xen bằng những giai điệu thánh ca, được phát ra từ các đĩa nhạc, như khơi gợi cho bệnh nhân thêm niềm tin yêu. Thường xuyên đến phòng khám tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật cổ tay, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, 52 tuổi, vui vẻ cho hay: “Đến đây sức khỏe tốt lên, thêm vào đó được các dì chia sẻ, đưa ra những lời khuyên bổ ích, tôi thấy tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng hơn”. Nhiều người bị các bệnh về xương khớp, cột sống… từ tận các tỉnh miền Tây hoặc miền Trung xa xôi vẫn đến để được chữa trị.
Các nữ tu tận tình chăm sóc bệnh nhân
Trong chặng đường dài, phòng khám đã nhiều lần được chính quyền các cấp khen tặng là một trong những cơ sở chữa bệnh uy tín, có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội. Gần đây nhất, trong dịp tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” (tháng 11.2016) của UBND và UBMTTQVN TPHCM, cộng đoàn tiếp tục được nhắc đến về việc chăm lo cho bệnh nhân nghèo. Nữ tu Maria Lê Thị Kim Liên chia sẻ: “Chúng tôi xem người bệnh như chính người nhà, nhìn thấy họ khỏe mạnh, bản thân mình cũng cảm thấy rất vui!”. Chị Anna Hoàng Thị Thùy Linh (giáo dân xứ Phát Diệm) - một trợ tá đắc lực của phòng khám hơn hai năm nay tâm sự: “Tôi đến đây làm việc đã quen, hôm nào không đi, cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Được phụ các sơ chăm sóc bệnh nhân, tôi thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa”. Nhiều người đến đây không còn xa lạ gì với giọng nói dịu dàng của chị Linh khi xướng tên bệnh nhân mỗi buổi. Việc gì có thể, chị đều vui vẻ thực hiện, từ đo huyết áp đến quét dọn, vệ sinh dụng cụ y tế, quản lý phòng thuốc. Với nữ tình nguyện viên này, công việc ở phòng khám dù cứ lặp đi lặp lại nhưng chưa bao giờ cảm thấy chán nản bởi chị luôn trong tâm thế dấn thân phục vụ..
Do diện tích nhỏ hẹp, hạn chế về nhân lực nên cơ sở tiếp nhận bệnh nhân điều trị vào các thời gian quy định, tuy nhiên, việc cố gắng hết sức để giúp đỡ mọi người theo khả năng vẫn được xem là tinh thần chung của những “nữ tỳ” nơi đây.
HÙNG LUÂN
Nguồn: CGVDT